Kiếm Tiền Với Blog Bằng Những Phương Pháp Nào?

Lưu Ý:

  • Tất cả phương pháp đều hợp pháp (không lừa đảo, không vi phạm pháp luật).
  • Tất cả đều uy tín (có thể kiếm được tiền).
  • Tất cả đều bền vững (tồn tại lâu dài).
  • Có rất nhiều cách kiếm tiền khi bạn sở hữu một website. Trong phạm vi của bài viết này mình chỉ giới thiệu các phương pháp phù hợp với mô hình Blogging Business đang được các blogger áp dụng.
  • Bài này mình viết với mục tiêu giới thiệu tổng quan và dễ hiểu cho người mới, vì vậy sẽ không đi sâu vào từng phương pháp. Để xem hướng dẫn chi tiết hơn bạn hãy truy cập danh mục Make Money.

A. CÁC PHƯƠNG PHÁP KIẾM TIỀN TỪ BLOG

I. Sell Product

Bạn có thể tự tạo ra sản phẩm và bán trên blog cho các độc giả có nhu cầu. Sản phẩm sẽ được chia làm 2 dạng như sau:

1. Physical Product

Sản phẩm vật lý được hiểu đơn giản là những sản phẩm có tính chất vật lý (có thể nhìn thấy, chạm vào, ngửi, nếm).

Ví dụ: quần áo, sách, đồ handmade,…

2. Digital Product

Sản phẩm số được hiểu đơn giản là những sản phẩm không có tính chất vật lý (không thể nhìn thấy, chạm vào).

Ví dụ: ebook, course, software, plugin, theme,…

II. Sell Service

Ngoài việc bán sản phẩm, bạn cũng có thể cung cấp các dịch vụ cho khách hàng của mình. Một số hình thức dịch vụ phổ biến như sau:

1. Freelancing

Đây là một dạng “lai” giữa việc làm thuê và làm chủ. Có nghĩa là bạn vẫn đang làm thuê cho người khác nhưng cũng vừa là chủ của chính mình, không có ai là sếp của bạn cả.

Bạn có thể tự do về thời gian và địa điểm làm việc, có thể chọn những dự án phù hợp với chuyên môn, có thể chọn để làm việc với những khách hàng yêu mến và tôn trọng công sức của bạn, thậm chí cũng có thể “tạm nghĩ việc” nếu muốn.

Ví dụ, bạn sắp xếp để hoàn thành hết các việc đã nhận trong tuần này. Tuần sau bạn không nhận thêm việc nữa và dành thời gian đó để đi du lịch, sau khi đi về có thể nhận việc và làm tiếp.

Freelancing rất phù hợp với các bạn mới, bởi vì việc kiếm tiền tương đối nhanh hơn các phương pháp khác mà mình giới thiệu trong bài. Độ khó cũng đa dạng theo từng loại công việc, bạn có thể làm từ những việc rất nhỏ và dễ hoàn thành cho đến những việc yêu cầu chuyên môn.

Ví dụ, bạn là một designer có thể tạo một blog và viết về chuyên môn của mình, cũng như đăng các mẫu dự án đã làm, giới thiệu về phong cách thiết kế của mình,… và cuối cùng là mở dịch vụ freelancer (đó có thể là thiết kế logo, banner,…).

2. Virtual Assistant

Đây là một hình thức “nâng cấp” của Freelancing. Khi bạn xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài với khách hàng thì một trong số đó có thể mời bạn làm VA riêng và tất nhiên thu nhập sẽ cao hơn so với làm Freelancer.

Freelancing thì phù hợp với người mới nhưng VA lại khác, khi bạn là một VA đồng nghĩa bạn là một chuyên gia trong công việc của mình. Lúc này ý nghĩa không chỉ đơn giản là làm theo yêu cầu mà bạn còn có thể hỗ trợ và đưa ra các ý kiến đóng góp, sáng tạo.

3. Consulting / Training / Coaching

Cho dù bạn viết blog về chủ đề gì, sẽ luôn có những khách hàng cần sự giúp đỡ từ bạn và sẵn sàng trả tiền, đó có thể là một buổi tư vấn hoặc huấn luyện 1 kèm 1.

Với sự giúp đỡ của công nghệ, ngày nay khách hàng không cần “dầm mưa dãi nắng” đi tới văn phòng để nhận được sự tư vấn từ bạn, mà chỉ cần thông qua Internet là hai bên có thể kết nối và làm việc cùng nhau.

Và blog chính là phương tiện giúp khách hàng tìm thấy và đánh giá về bạn trước khi sử dụng dịch vụ.

4. Speaking

Đối tác sẽ mời bạn đến chia sẻ trên vai trò là diễn giả và sẽ trả thù lao cho bạn.

So với 3 cách ở trên thì cách này không dành cho tất cả mọi người vì bạn cần đạt được một mức độ uy tín, tầm ảnh hưởng và chuyên môn cao trong lĩnh vực của mình.

Ngoài ra, phong cách cá nhân của bạn cũng rất cần thiết. Từ cách truyền đạt, trả lời câu hỏi, cách hấp dẫn và thu hút người nghe, cách ăn mặc,…


Đó là 4 hình thức cung cấp dịch vụ phổ biến mà chúng ta thường thấy. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào chủ đề blog của bạn mà sẽ có các dịch vụ chuyên biệt khác.

Ví dụ: một blog về chủ đề WordPress sẽ có các dịch vụ như cài đặt WordPres, tăng tốc WordPress, bảo mật WordPress,…

III. Sell Advertising

Có rất nhiều hình thức quảng cáo khác nhau nhưng có thể chia làm 2 loại chính như sau:

1. Banner Advertising

Hiểu đơn giản là bạn sẽ bán không gian trên blog của mình cho mục đích quảng cáo.

Hình thức này rất dễ nhận biết, khi bạn truy cập vào bất kỳ trang báo nào cũng sẽ thấy phía trên cùng hoặc bên phải sẽ có các banner quảng cáo khác nhau. Hoặc liên hệ với thực tế thì giống với các banner mà bạn thấy ở các tòa nhà.

2. Sponsored Content

Hiểu đơn giản là bạn sẽ bán nội dung trên blog của mình cho mục đích quảng cáo.

Loại hình này có nhiều dạng khác nhau và mức thu nhập cũng khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu của đối tác:

  • Viết bài giới thiệu về một sự kiện/sản phẩm/dịch vụ/công ty? (Thường được gọi là viết bài PR)
  • Nội dung chỉ là giới thiệu hay cần viết thêm đánh giá/cảm nhận/hướng dẫn sử dụng…? (Thường được gọi là viết bài review)
  • Nội dung được đăng trên blog/social/email/podcast…?
  • Nội dung có cần làm video, infographic, hình tự chụp hay đối tác cung cấp,…?

Các bài viết này thường được nhận biết bằng cách chú ý ở phần đầu hoặc cuối bài sẽ có các cụm từ như: “Bài viết được tài trợ bởi”, “Nội dung được tài trợ bởi”, “Sponsored by”, “Sponsored Post”, “Brought to you by”.

IV. Affiliate Marketing

1. Định Nghĩa

Affiliate Marketing là hình thức quảng bá sản phẩm của người khác và nhận được tiền hoa hồng khi có người mua hàng thông qua đường link của bạn.

Ví dụ bạn vừa mới mua một đôi giày thể thao tuyệt đẹp, ngày hôm sau đi chơi đứa bạn thấy liền hỏi mua ở đâu và lúc này bạn sẽ giới thiệu cho họ và quan trọng là: bạn sẽ nhận được tiền hoa hồng nếu họ mua đôi giày đó thông qua sự giới thiệu của bạn.

2. Đặc Điểm

Hình thức này cũng tương tự như việc bán quảng cáo nhưng thay vì tính theo traffic thì bây giờ sẽ tính theo lượt sale.

3. Cách Thức Hoạt Động

Khi tham gia vào một Affiliate Program đối tác sẽ cung cấp cho bạn một đường link riêng biệt (được gọi là Affiliate Link).

Công việc của bạn là quảng bá đường link này tới khách hàng tiềm năng (đồng nghiệp, độc giả trên blog,…). Khi có người bấm vào link đó và mua hàng bạn sẽ được trả tiền.

Lúc này nhiệm vụ của bạn đã xong, còn lại tất cả vấn đề liên quan đến sản phẩm và hậu cần như vận chuyển, hỗ trợ khách hàng, đổi trả hàng, bảo hành,… sẽ được xử lý bởi chủ sở hữu sản phẩm.

4. Cách Thức Hợp Tác

  • Affiliate Network: hợp tác với đối tác thông qua một network trung gian như: Amazon, Commission Junction, ShareASale, Lazada, AccessTrade,…
  • Private Affiliate Program: hợp tác trực tiếp với đối tác

V. Donation

Hình thức cuối cùng này là dễ nhất, bởi vì bạn không cần bán hàng, quảng cáo hay lo lắng về bất kỳ điều gì liên quan đến kinh doanh.

Việc của bạn là tạo một trang Donate trên blog của mình, sau đó tập trung vào phát triển nội dung hữu ích cho độc giả.

Nội dung càng có giá trị, càng khiến mọi người yêu thích thì bạn sẽ có cơ hội nhận được ủng hộ. Số tiền bạn nhận được có thể từ 20.000 – 500.000 VND/1 lần nhưng cũng có thể trên 10 triệu.

Hiểu đơn giản thì thu nhập từ phương pháp này phụ thuộc vào sự tự nguyện và hào phóng của độc giả.

Cách thức để nhận tiền từ độc giả rất đa dạng: thông qua thẻ cào, MoMo, PayPal hoặc chuyển khoản trực tiếp.

B. TÓM TẮT ƯU ĐIỂM VÀ KHUYẾT ĐIỂM

I. Sell Product

1. Physical Product

2. Digital Product

  • Sản phẩm là thật. Tạo ra nhận thức rằng sản phẩm vật lý có giá trị hơn vì khách hàng biết mình sẽ nhận được một cái gì đó hữu hình.
  • Sản phẩm là ảo. Do đó nhận thức của khách hàng về giá trị của sản phẩm số sẽ thấp hơn.
  • Khách hàng có toàn quyền sở hữu sản phẩm, có thể dễ dàng bán lại cho người khác.
  • Trong khi sản phẩm số sẽ có những ràng buộc về giấy phép sử dụng hoặc bán lại.
  • Không cần lo lắng về việc sao lưu dữ liệu.
  • Cần sao lưu dữ liệu sản phẩm (tài khoản, giấy phép,…) để tránh bị mất nếu thiết bị gặp sự cố (đánh cắp, hư hỏng,…)
  • Dễ nhận diện, dễ chia sẻ và lan truyền. Ví dụ, ai đó sẽ hỏi về bức tranh được treo trong phòng của bạn khi nhìn thấy nó.
  • Ngược lại, khi mua một ebook thì trừ khi bạn chủ động chia sẻ nếu không sẽ không ai biết.
  • Chi phí cao (cần chi cho sản xuất, kho hàng, đóng gói, vận chuyển,…)
  • Chi phí thấp (hều hết các chi phí đều rất thấp, thậm chí là bằng 0)
  • Quá trình mua hàng tốn nhiều thời gian (xử lý đơn hàng, đóng gói, vận chuyển,…)
  • Quá trình mua hàng nhanh chóng chỉ với vài lần nhấp chuột.
  • 1 sản phẩm chỉ bán được 1 lần.
  • 1 sản phẩm có thể bán được nhiều lần.
  • Muốn nhân rộng cần đầu tư thêm vào nguyên liệu, nhân viên, kho hàng, thiết bị,…
  • Nhân rộng dễ dàng và nhanh chóng mà không mất thêm chi phí gì khác.

II. Sell Service

Pros

  • Có thể bắt đầu nhanh chóng mà không cần đầu tư vào việc tạo ra sản phẩm hoặc nhập hàng.
  • Chi phí khởi động thấp, chỉ cần có một blog để giới thiệu dịch vụ.
  • Nhận tiền nhanh chóng, vì làm việc trực tiếp với khách hàng nên sau khi hoàn thành công việc thì có thể nhận tiền ngay trong ngày.
  • Vì làm việc trực tiếp 1-1 nên có thể hiểu rõ trải nghiệm của khách hàng hơn các hình thức khác.

Cons

  • Thu nhập không thụ động.
  • Cần có nhiều thời gian để phục vụ khách hàng.
  • Dễ gây căng thẳng hơn so với các hình thức khác.

III. Sell Advertising

Pros

  • Các phương pháp thuộc nhóm Advertising sẽ phù hợp với những ai không có sản phẩm/dịch vụ và không thích bán hàng.
  • Công việc của bạn là đặt quảng cáo và nhận tiền từ bên thứ ba. Không phải lo nghĩ gì về việc bán hàng (chọn lựa/tạo ra sản phẩm, thuyết phục mua hàng, định giá, giao hàng, chăm sóc khách hàng,…) bởi vì độc giả sẽ không phải mua gì từ bạn.

Cons

  • Cần có lượng traffic cao hoặc lượng theo dõi cao trên mạng xã hội. Ví dụ, các website dạng tin tức, truyện, game,… thường đặt banner quảng cáo bởi vì các chủ đề này có lượng traffic cao.
  • Thu nhập có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Ví dụ, khi lượng traffic của bạn giảm hoặc đối tác cắt giảm chi phí marketing,… trừ khi bạn nhận được hợp đồng tính theo năm.
  • Có thể gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng (nếu đặt quá nhiều banner sẽ tạo cảm giác trông như spam, làm mất tập trung vào bài viết,… Hoặc thường xuyên đăng các bài viết/status được tài trợ cũng có thể làm cho độc giả cảm thấy “không có cảm tình”)

IV. Affiliate Marketing

Pros

  • Không cần có sản phẩm, dịch vụ.
  • Có thể đánh giá được chất lượng và sự liên quan của sản phẩm trước khi quảng bá.
  • Không yêu cầu phải có nhiều traffic.
  • Thu nhập thụ động.

Cons

  • Không thể tham gia vào quá trình sản xuất và phát triển sản phẩm.
  • Dễ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh tiếng của blogger. Ví dụ: khi một mặt hàng mà bạn đang quảng bá gặp sự cố (không còn bán, chất lượng giảm, chăm sóc khách hàng kém,…) sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến bạn.
  • Vì vậy cần cẩn thận và nghiêm khắc trong việc lựa chọn mặt hàng để quảng bá.

V. Donation

Hình thức này được áp dụng khá tốt đối với các bạn Vlogger và Streamer. Các chủ đề thường thiên về giải trí và nghệ thuật như: chơi game, biểu diễn hài, tư vấn tình cảm, hướng dẫn makeup, làm đồ handmade,…

Bởi vì nội dung bên cạnh tính hữu ích còn có tính giải trí cao, làm cho độc giả cảm thấy thích thú, vui vẻ,… thì khả năng nhận được donate sẽ cao hơn.

Hoặc bạn cũng có thể thấy hình thức này ở các website cung cấp tài nguyên, các phần mềm open-source, các dự án phi thương mại phục vụ cộng đồng,…

Nếu bạn là Blogger vẫn có thể áp dụng nhưng độ hiệu quả sẽ không cao bằng so với các bạn trên, cũng như là so với các phương pháp khác mà mình đã giới thiệu trong bài.

C. MÌNH ĐANG ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP NÀO?

I. Tiêu Chí

Phần này sẽ trình bày những điều mà mình cần khi lựa chọn một phương pháp kiếm tiền từ blog.

1. Quyền Sở Hữu

Muốn kiếm tiền mình sẽ cần bán một cái gì đó: sản phẩm, dịch vụ, quảng cáo,…

Dựa trên quyền sở hữu, mình chia tất cả “cái đó” thành 2 nhóm:

  • Cái đó của mình
  • Cái đó của người khác

Nói cách khác, tất cả các phương pháp trong phần A đều: đang bán một cái gì đó và cái đó thuộc một trong hai nhóm:

Nhóm 1: Bán đồ của mình

  • Sell Product
  • Sell Service

Nhóm 2: Bán đồ của người khác

  • Sell Advertising
  • Affiliate Marketing

Đây là điều đầu tiên và cốt lõi nhất mà mình lưu ý khi lựa chọn phương pháp để kiếm tiền từ blog (hoặc bất kỳ mô hình kinh doanh nào khác).

Có nghĩa là mình sẽ tự hỏi: Tôi đang bán đồ của mình hay của người khác?

Các phương pháp mình đang áp dụng đều thuộc cả hai nhóm nhưng đa số là nhóm 1 vì các nguyên nhân sau:

Khi bán mặt hàng của mình bạn có thể kiểm soát mọi thứ (quy trình, giá cả, hình ảnh, thời gian,…). Và ngược lại, khi bán mặt hàng của người khác bạn chỉ có thể kiểm soát được một vài yếu tố.

Trong đó KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG là yếu tố quan trọng nhất đối với mình.

Nhóm 1 sẽ đảm bảo được tiêu chí này, nhưng không có nghĩa là nhóm 2 không thể.

Vì vậy khi gặp được một phương pháp mới và biết thuộc nhóm 2 mình cũng không loại ngay mà sẽ hỏi thêm rằng: Nếu là bán đồ của người khác, tôi có thể đảm bảo được chất lượng của mặt hàng đó?

Nếu câu trả lời là “Có” thì chọn, ngược lại thì loại.

Khi phụ thuộc vào bên thứ ba thì công việc của bạn đôi khi sẽ bị ảnh hưởng một cách đột xuất. Đối tác có thể cấm bạn nếu vi phạm điều khoản, khi họ bị mất dữ liệu, gặp các vấn đề về bảo mật hoặc khi website bị downtime,… dù cho nguyên nhân là gì đi nữa thì cuối cùng tất cả đều sẽ gây ảnh hưởng đến công việc của bạn.

Ví dụ như Google AdSense, khi tham gia bạn sẽ phải đọc thật kỹ các điều khoản, nếu không một ngày nào đó bạn có thể bị cấm (Banned) và không thể đặt quảng cáo để tiếp tục kiếm tiền.

Về Affiliate Marketing, do có rất nhiều network/program để tham gia (bao gồm quốc tế và Việt Nam), có nhiều nơi việc đăng ký và điều khoản rất dễ dàng nên mình cũng không quá lo lắng về điều này.

Và điều cuối cùng mà nhóm 1 có lợi thế hơn đó là gói gọn trong 2 chữ “Tài Sản”.

– Thương hiệu mà bạn xây dựng được từ sản phẩm, dịch vụ chính là tài sản của bạn.

– Khách hàng mua sản phẩm của bạn -> bạn sẽ biết được email, facebook, sở thích mua hàng,… để từ đó kết nối và phục vụ khách hàng được tốt hơn -> tất cả những thông tin đó chính là tài sản của bạn.

2. Thời Gian Phục Vụ

Bất kể ưu và khuyết của phương pháp là gì, một ngày bạn chỉ có 24h, điều này là không đổi.

Vì vậy khi quyết định chọn một hình thức kiếm tiền từ blog, câu hỏi tiếp theo mình sẽ hỏi là: Tôi còn đủ thời gian cho điều này?

3. Tập Trung Vào Cốt Lõi

Cho dù bán cái gì, bán đồ của ai mình vẫn luôn tập trung vào những yếu tố sau:

  • Chất lượng mặt hàng
  • Chăm sóc khách hàng
  • Marketing

Vì vậy, mình muốn đầu tư mọi thứ đang có cho những điều này (tiền vốn, thời gian, sức sáng tạo, nhân viên,…) và cắt giảm càng nhiều càng tốt các khâu không cần thiết (vận chuyển, lưu trữ,…)

II. Tổng Kết

Từ những tiêu chí bên trên có thể tóm tắt lại ngắn gọn các phương pháp mình đang áp dụng như sau (đã được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên):

  1. Bán các sản phẩm số của mình: Ebook, Online Course, Membership
  2. Bán các dịch vụ của mình: Consulting, Training, Coaching, Speaking
  3. Bán các sản phẩm số, sản phẩm vật lý và dịch vụ của người khác thông qua hình thức Affiliate Marketing

D. KẾT LUẬN

Có rất nhiều cách để chúng ta có thể kiếm được tiền từ blog, điều này sẽ giúp bạn đa dạng nguồn thu nhập của mình, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều điều mà chúng ta cần xem xét cẩn thận.

Và bạn hãy nhớ một câu đơn giản: “Chọn cái phù hợp là tốt nhất, chứ không phải chọn cái tốt nhất mới phù hợp”.

Kiếm tiền từ blog cũng vậy, không có cách nào là tốt nhất, bạn sẽ phải tìm hiểu kỹ và thử nghiệm nhiều để có thể chọn ra được các phương pháp phù hợp với mình.

Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ có được những gợi ý đầu tiên.

Vậy bạn sẽ chọn cách nào và tại sao? Mức độ hiệu quả như thế nào và bạn có suy nghĩ gì về hình thức đó? Hãy chia sẻ bên dưới nhé.

Write a Comment