Khi mới biết đến công việc viết blog có thể bạn sẽ cảm thấy thích thú nhưng bên cạnh đó cũng có những nỗi sợ bắt đầu xuất hiện ngăn cản bạn bước tiếp. Trong bài viết này mình sẽ liệt kê ra những điều đó và gợi ý giúp bạn cách để vượt qua chúng.
Lưu Ý:
- Đây là danh sách tổng hợp những nỗi sợ thường gặp mà mình biết. Mỗi blogger sẽ có những nỗi sợ của riêng mình chứ không phải ai cũng gặp tất cả những điều đó.
- Ví dụ như trường hợp của mình, khi mới biết tới blogging trong lòng có 2 nỗi sợ ngăn cản mình bước tiếp với công việc này nhưng bây giờ đã được khắc phục.
1. Sợ Marketing
Đây là nỗi sợ đầu tiên của mình.
Có rất nhiều lý do tại sao chúng ta lại sợ hãi thậm chí là ghét marketing, nguyên nhân không nằm ở marketing mà do những gì chúng ta bắt gặp trong quá khứ tác động tới những suy nghĩ ở hiện tại.
Trước đây mình học về CNTT nên thường xuyên tiếp xúc với máy tính và ít xem tivi, bởi vì một trong các nguyên nhân đó là mình không thích khi đang xem một chương trình rồi phải ngồi đợi quảng cáo, từ đó cho rằng “marketing là quảng cáo”.
Rồi khi biết dùng tới email để nhận tin từ các website thì lại thấy hộp thư của mình đầy những email không mong muốn, thế là mình nghĩ “marketing là toàn đi spam như vậy sao”.
Và còn nhiều nguyên nhân khác mà mình được nghe từ mọi người: “marketing là bán hàng vớ vẩn”, “marketing là đa cấp”, “marketing là nói phóng đại về sản phẩm”,…
Theo thời gian khi trưởng thành hơn mình bắt đầu ngẫm nghĩ lại và nhận ra rằng “à tất cả những gì mình nghĩ về marketing trong quá khứ chỉ là NHẬN XÉT NGẪU NHIÊN chứ không phải ĐÁP ÁN CUỐI CÙNG”.
Từ đó mình bắt đầu chủ động tìm hiểu về marketing xem nó là cái gì, áp dụng ra sao, có vai trò gì trong cuộc sống,… và đọc cả những mánh khóe, những lỗi mắc phải trong marketing để có được cái nhìn toàn cảnh hơn, từ đó mình không còn nghĩ về marketing như ban đầu nữa.
Còn bạn, bạn có thực sự ghét marketing? Hay đó chỉ là một cảm giác tạm thời đã có trong quá khứ? Hãy suy nghĩ lại xem bạn bắt đầu sợ marketing từ khi nào, trong tình huống nào? Chỉ khi biết được nguyên nhân mới có thể suy nghĩ thấu đáo tìm cách khắc phục.
Một nguyên nhân nữa mà mọi người thường sợ marketing đó là: “Mình thấy marketing có quá nhiều thứ làm sao học hết?”
Đúng là kiến thức marketing rất rộng, những thứ hiện tại mình biết chỉ là một phần rất nhỏ trong đó. Nhưng bạn yên tâm, một trong các lợi ích của blogging đó là sự tự do về kiến thức vì vậy bạn không nhất thiết phải học tất cả mọi thứ.
Bạn chỉ cần học về Online Marketing, cụ thể hơn đó là về Content Marketing, Email Marketing,… những chủ đề này sẽ được mình viết chi tiết hơn trong các bài viết riêng.
2. Sợ Viết
Đây là nỗi sợ thứ hai của mình và cũng là nỗi sợ lớn nhất vì hồi còn đi học việc đạt 7đ môn Văn là điều không tưởng. Mỗi lần tới môn Văn là năng lượng giảm mạnh, tay chân rụng rời vì sợ trả bài, sợ viết văn, sợ phân tích văn,… và hiển nhiên cái suy nghĩ “mình là người viết kém” hình thành từ đó.
Tâm lý đó kéo dài mãi tới khi học hết cấp 3, bạn tưởng tượng với bao nhiêu năm đó, tâm lý sợ viết Văn đã ăn sâu vào tiềm thức của mình.
Có nhiều nguyên nhân gây nên nỗi sợ này, trong trường hợp của mình là 3 điều sau:
- 1. Phải viết đúng thể loại
Viết Văn chia ra làm nhiều thể loại như tự sự, nghị luận, miêu tả, phân tích,… và mình thì không thể viết tốt tất cả thể loại này.
- 2. Phải viết sao cho lịch sự, trang trọng
Mỗi lần viết status trên Facebook bạn có thể viết theo văn phong tự do, vì bạn biết người đọc chính là bạn bè, người thân, đồng nghiệp nên dùng từ rất dễ.
Ví dụ viết về một vấn đề trong blogging thì mình có thể chèn những từ mà biết chắc chắn các blogger sẽ hiểu, nhưng viết Văn để nộp bài lại không thể được như vậy mà phải viết theo văn phong như những gì được dạy.
- 3. Phải viết về những nhân vật mà mình không rõ về họ
Khi viết blog mình biết rất rõ đang viết về điều gì và am hiểu về chủ đề đang viết. Còn viết Văn thì ngược lại, đa số chủ đề, nhân vật, tác phẩm,… mình không am hiểu nhiều nên cảm thấy rất khó khăn mỗi lần viết.
Đó là các nguyên nhân hình thành nên nỗi sợ viết của mình.
Nhưng bây giờ nhìn lại thì kỹ năng viết không phải là điều quá đáng sợ như những gì mình từng nghĩ.
Bây giờ việc viết blog đã trở nên thú vị hơn vì không còn bó chặt bởi những điều trên, cụ thể:
- Ban đầu chỉ cần liệt kê ý, trong đầu nghĩ gì thì gạch đầu dòng hết các ý đó.
- Sau đó sắp xếp ý sao cho hợp lý, có đầu có đuôi.
- Tiếp theo, đọc lại dàn ý và bắt đầu viết thành đoạn văn, lúc này chỉ cần viết sao cho đúng chính tả, chia đoạn rõ ràng cho dễ đọc là được. Còn văn phong thì trang trọng hay bình dân như tui-tớ-cậu gì hoàn toàn do mình lựa chọn.
- Và quan trọng là sự am hiểu về những gì mình viết, hiểu được các vấn đề của người đọc, họ có những mong muốn cụ thể gì,… nên thật dễ dàng để viết.
Một blogger mới bắt đầu sự nghiệp chỉ cần như thế là đủ vì quan trọng nhất vẫn là giá trị mà bạn gửi đi, là quan điểm, kiến thức, sự chân thành,… trong từng câu chữ của bạn, bởi vì người đọc cũng chính là người bạn và họ cần thấy những giá trị đó từ bài viết của bạn.
Còn viết sao cho hay, lôi cuốn, thuyết phục,… những cái đó để sau. Chỉ khi nào bạn làm tốt những điều cơ bản rồi thì mới cần học hỏi thêm các kỹ thuật nâng cao để cải thiện kỹ năng viết.
Tóm lại điều mình muốn nói là:
- Học kém môn Văn không ảnh hưởng gì đến việc bạn sẽ trở thành một blogger thành công.
- Viết chưa hay không có nghĩa là không thể viết, không thể chia sẻ, không thể chân thành.
- Không cần đợi viết hay mới bắt đầu. Bởi vì để giỏi một kỹ năng nào đó, cho dù có năng khiếu hay không bạn vẫn cần trải qua quá trình cải thiện và phát triển không ngừng để ngày càng tốt hơn.
3. Sợ Kỹ Thuật
Đối với các công việc như: lập trình website/phần mềm, dịch vụ bảo trì/tối ưu website, quản trị hệ thống,… mới yêu cầu bạn phải giỏi về lập trình, sử dụng máy vi tính thành thạo, có kiến thức chuyên môn về CNTT/Computer/Network.
Còn với Blogger, điều này là không cần thiết, bởi vì trọng tâm của công việc này là NỘI DUNG chứ không phải KỸ THUẬT.
Nói cách khác, bạn có thể nhờ người khác tạo blog chứ không thể nhờ người khác viết nội dung.
- Bạn nghĩ sao nếu blog này là do người khác viết? Khi đó blog này sẽ không còn gọi là DuongRomano.
- Bạn nghĩ sao nếu blog này là do người khác thiết kế? Khi đó blog này vẫn là DuongRomano.
Note: Bạn vẫn có thể thuê người khác viết bài nhưng đó là khi áp dụng các mô hình kinh doanh online khác. Còn với Blogging Business cốt lõi chính là THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN, vì vậy các bài viết trên blog phải do chính bạn viết.
Còn nếu bạn hỏi mình rằng “Tạo blog có khó không?” thì câu trả lời là:
Thứ nhất, với công nghệ ngày càng phát triển thì việc tạo blog ngày nay không còn là vấn đề phải biết về lập trình thì mới làm được. Bây giờ chỉ là vấn đề của việc bấm + kéo + thả, bạn hoàn toàn không cần viết bất kỳ một dòng code nào.
- Bạn biết dùng Facebook để liên lạc?
- Bạn biết dùng Gmail để gửi thư?
- Bạn biết dùng Google Search để tìm thông tin?
- Bạn biết dùng Google Drive để lưu trữ thông tin?
- Bạn biết dùng Google Docs hoặc Microsoft Word, Evernote để viết bài?
Nếu câu trả lời là “Có” thì bạn có thể tự tạo được cho mình một blog mà không cần biết lập trình.
Thứ hai, sau khi tạo được blog thì cái bạn cần tập trung đó chính là chất lượng của nội dung, là uy tín, là sự tương tác,… chứ không phải về việc làm thế nào để blog chuyên nghiệp hơn, có nhiều chức năng hơn, tùy chỉnh nhiều thứ hơn.
Những điều này chỉ khi nào blog đã có nhiều bài viết chất lượng và bạn cũng có được thu nhập từ blog thì mới cần quan tâm tới.
Lúc đó nếu thích bạn có thể tự mình nghiên cứu thêm về lập trình (CSS, HTML, JavaScript, PHP) hoặc về những vấn đề kỹ thuật liên quan đến WordPress (tối ưu tốc độ, tối ưu hosting, bảo mật,…) để tự mình cải thiện cho blog. Nếu không bạn có thể thuê ngoài các vấn đề này.
4. Sợ Tiếng Anh
Đương nhiên giỏi ngoại ngữ là điều rất tốt trong thời đại ngày nay, bạn có thể viết blog bằng Tiếng Anh, nếu làm được đều đó thì những lợi ích mà bạn nhận được từ blog sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bắt buộc bạn phải thật giỏi Tiếng Anh để trở thành một blogger, bạn hoàn toàn có thể xây dựng blog với ngôn ngữ chính là Tiếng Việt để phục vụ thị trường tại Việt Nam. Vì thế Tiếng Anh sẽ không còn là vấn đề, như blog này của mình hiện tại tất cả đều được viết bằng Tiếng Việt.
Nhưng đôi khi trong các bài viết chúng ta sẽ sử dụng đến một số từ Tiếng Anh chuyên ngành, cái này cũng không yêu cầu bạn phải thật giỏi Tiếng Anh mới hiểu được.
Ví dụ trên blog này mình có sử dụng nhiều từ Tiếng Anh về marketing, không phải vì “sính ngoại” hay “khoe khoang trình độ” gì cả, mà do đặc thù trong marketing có rất nhiều từ khi dịch ra Tiếng Việt sẽ không sát nghĩa và dài:
- Affiliate: Tiếp thị liên kết
- Traffic: Lưu lượng truy cập
- Landing Page: Trang đích
Vậy nên mình sẽ giải thích ý nghĩa từng từ Tiếng Anh trong một bài viết riêng. Còn tất cả các bài viết khác mặc định sẽ dùng từ Tiếng Anh thay cho Tiếng Việt.
5. Sợ Thất Bại
Nỗi sợ này thì rất quen thuộc rồi, phải không?
Theo số liệu từ “Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015” thì “Chỉ số lo sợ thất bại khi kinh doanh của người Việt Nam năm 2015” là 45.6% (dựa trên kết quả khảo sát 2000 người trưởng thành và 36 chuyên gia).
Mặc dù chỉ số này đã giảm so với năm 2013 (năm đầu tiên Việt Nam tham gia nghiên cứu GEM) nhưng vẫn ở mức cao so với các quốc gia cùng trình độ phát triển.

Nguồn: Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015 – Hình 3
Note: Để cập nhật số liệu mới nhất bạn xem tại đây: GEM Global Entrepreneurship Monitor
Từ số liệu có thể thấy được lo sợ thất bại là một trong những rào cản rất lớn khiến nhiều người chưa bắt tay kinh doanh dù đã nhận thấy cơ hội.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nỗi sợ này:
- Do những thất bại trong quá khứ
- Do chịu áp lực từ người thân
- Do sợ nếu thất bại sẽ tốn thời gian, tốn tiền, ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhân viên, cộng sự,…
- …
Trong đó 2 yếu tố gây tác động lớn nhất đến chúng ta đó là tiền và thời gian. Nhưng đối với blogging bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này.
Tại sao mình nói vậy?
Với mô hình Blogging Business bạn sẽ tập trung vào ít các vấn đề hơn so với Offline Business (mô hình kinh doanh truyền thống), vì thế bạn có thể khởi nghiệp online với số vốn cực kỳ thấp. Cụ thể:
- Chi phí cho “mặt bằng” là khoảng $50/1 năm (100.000 VND/1 tháng) dùng để mua domain và hosting, hai yếu tố cần thiết để tạo blog. (Blog có thể được ví như mặt bằng/văn phòng/shop trong Offline Business)
- Chi phí cho sản phẩm (ebook, video, apps,…) cũng rất thấp, nếu bạn tự làm thì chi phí = 0. Bởi vì việc tạo ra các sản phẩm online là không khó, chưa kể trong giai đoạn đầu nếu chưa có sản phẩm bạn có thể quảng bá sản phẩm của người khác.
- Chi phí cho marketing = 0. Có rất nhiều hình thức Online Marketing khác nhau, bao gồm miễn phí và trả phí, thời gian đầu bạn hoàn toàn có thể chọn các giải pháp miễn phí để quảng bá blog của mình.
- Chi phí cho kho bãi, nhân viên (hỗ trợ, giao hàng, kế toán,…) = 0. Bởi vì bạn không cần những điều này.
Về thời gian:
- Nếu tính từ lúc bạn bắt đầu tạo blog (có nghĩa là không tính giai đoạn chuẩn bị)
- Nếu bạn dành ra 2h mỗi ngày cho việc này
- Với số tiền $50, blog sẽ được duy trì trong vòng 1 năm (bởi vì $50 dùng để mua domain và hosting với thời hạn sử dụng 1 năm)
- Như vậy: 2×365 = 730h => 730h / 8h (thời gian làm việc trong 1 ngày) = 91 ngày (tương đương với 3 tháng làm việc fulltime)
Tóm lại:
- Làm 2h/ngày => 3 tháng làm việc fulltime + $50 sẽ “tốn” nếu thất bại.
- Làm 4h/ngày => 6 tháng làm việc fulltime + $50 sẽ “tốn” nếu thất bại.
- Làm 8h/ngày => 12 tháng làm việc fulltime + $50 sẽ “tốn” nếu thất bại.
Note: Giả sử đặt ra mục tiêu thành công là phải kiếm được ít nhất $100/1 tháng trước khi tới ngày hết hạn domain và hosting.
Và để giảm thiểu rủi ro thất bại xuống mức thấp nhất có thể, mình sẽ (và cũng khuyên bạn nên làm) đó là LÀM TỐT GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ (thuật ngữ chuyên môn gọi là Nghiên Cứu Thị Trường):
- Chọn được chủ đề viết blog phù hợp và sinh lợi nhuận tốt
- Xác định được đối tượng độc giả cụ thể
- Biết được mức độ cạnh tranh của chủ đề đó
- Biết được những cách kiếm tiền từ chủ đề đó
- … xem chi tiết
Như vậy, khi nhìn vào bài toán về tiền + thời gian + mục tiêu thành công + nghiên cứu thị trường như trên mình đã không còn sợ nữa. Bởi vì tỷ lệ thất bại rất thấp và cái giá phải trả nếu điều đó xảy ra thì “không đáng để nói”.
Tổng kết lại, những điều mình muốn nói với bạn trong phần này:
- Không cần lo lắng về việc thiếu vốn, phải tìm nhà đầu tư.
- Không cần lo lắng về thời gian làm việc bởi vì blogging có tính linh hoạt, không cố định khung giờ hay bắt buộc về thời lượng.
- Không cần lo lắng về việc tìm nhân viên, cộng sự cùng khởi nghiệp.
- Vì vậy cũng không cần sợ thất bại, bởi vì nếu có thì bạn cũng không mất quá nhiều và cũng không ảnh hưởng đến ai (nhà đầu tư, nhân viên, cộng sự,…)
6. Sợ Không Có Thời Gian
Công việc viết blog rất linh hoạt về thời gian làm việc, bạn có thể làm parttime hay fulltime tùy thuộc vào quỹ thời gian của bạn (như đã đề cập cụ thể trong phần 5).
Mình chỉ có một lời khuyên nhỏ là bạn dành ra bao nhiêu thời gian không quan trọng, cái cần nhất đó là đều đặn và tập trung.
Bởi vì bạn không thể làm tất cả mọi thứ trong một ngày, cho nên nguyên tắc ở đây là hãy phân chia công việc ra thành từng nhiệm vụ nhỏ và tập trung vào đó.
Mỗi ngày bạn sẽ giải quyết từng nhiệm vụ nhỏ như vậy và cứ đều đặn trong suốt giai đoạn đầu.
Năm đầu tiên là khó khăn nhất và cũng là quan trọng nhất, đừng bỏ lỡ giữa chừng nhé. Khi bạn đã qua giai đoạn đầu thì mọi thứ khác đều trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nói một cách bình dân thì lúc đó bạn đã có đà và cứ thế mà tiến tới.
7. Sợ Cạnh Tranh
“Thị trường này đã có nhiều blogger tham gia, như vậy cạnh tranh cao quá có nên tham gia hay không?”
Đầu tiên chúng ta cần làm rõ một điều:
Bạn đừng sợ cạnh tranh cao quá thì thu nhập của mình sẽ ít lại và cũng đừng nghĩ rằng không cạnh tranh thì thu nhập sẽ cao.
Bởi vì sự cạnh tranh không phải là về thị trường mà là về bạn. Bạn chính là người quyết định sự thành bại của mình chứ không phải bất kỳ ai khác.
Nếu bạn không làm tốt các công việc cần thiết, chất lượng bài viết, sản phẩm, hỗ trợ,… mọi thứ đều tệ thì dù thị trường đó chỉ có một mình bạn tham gia (không có cạnh tranh), liệu mọi người có đọc các bài viết của bạn? Sẽ muốn tương tác với bạn? Sẽ giới thiệu bạn với người khác? Sẽ mua những sản phẩm mà bạn cung cấp?
Tiếp theo, bạn hãy đọc bài này để biết được chủ đề đó có phải là thị trường tiềm năng và phù hợp với mình hay không.
Sau khi đọc xong và chọn được chủ đề phù hợp, nỗi sợ của bạn sẽ giảm đi một nửa.
Nói cách khác, tự tin của bạn sẽ tăng lên 50% và với sự tự tin này thì tâm thế của bạn khi nhìn vào thị trường sẽ khác rất nhiều.
Và 50% còn lại đó là …
“Làm sao tôi có thể nổi bật hơn, thành công hơn?”
1. Thấu hiểu khách hàng
- Ngoài công việc hàng ngày của một blogger bạn cần là một thành viên thật sự trong thị trường đó.
- Bạn có thể tạo một group hoặc tham gia vào các group khác để “hòa mình” với mọi người, như vậy bạn mới có thể hiểu được khách hàng sâu hơn.
2. Cá nhân hóa
- Có rất nhiều thứ bạn có thể cá nhân hóa như: cách viết, cách tiếp thị, cách mà bạn xây dựng cộng đồng, cách mà bạn tương tác,…
- Bạn có thể học hỏi, tham khảo mọi thứ từ các blog khác (nội dung, cách viết, sản phẩm,…) nhưng khi bạn áp dụng hãy làm sao để mang tính cá nhân của riêng mình chứ đừng copy bài viết, đừng copy nội dung email,… hay nói ngắn gọn là “áp dụng chứ đừng bắt chước”.
3. Ổn định
- Các blogger khác có thường xuyên tương tác với độc giả? Họ có trả lời bình luận trên blog? Có tham gia thảo luận trong group? Có hồi âm email? Có tổ chức sự kiện, khảo sát, cuộc thi, livestream,…?
- Họ có thường xuyên cập nhật bài viết hoặc đăng bài mới?
- Bạn có thể làm được điều này?
4. Khác biệt
- Cùng nói về chung một chủ đề nhưng bố cục, cách thiết kế,… của blog bạn có gì khác biệt so với các blog khác?
- Bạn có thể giải thích những vấn đề cũ theo một cách khác dễ hiểu hơn, quan điểm mới hơn, thú vị hơn?
5. Sáng tạo
- Bạn có thể làm những thứ mà người khác không làm hoặc chưa nghĩ tới?
Nếu chủ đề bạn chọn có điểm số từ 7 trở lên, mình tin chắc những điều này sẽ không làm khó bạn, ngược lại nó chính là thế mạnh của bạn.
Bởi vì kinh doanh không chỉ để kiếm tiền mà còn giúp phát triển bản thân, theo thời gian bạn sẽ càng ngày càng trưởng thành hơn, thành công hơn.
Có thể ban đầu bạn chưa quen, chưa làm được, nhưng chỉ cần lưu ý 5 điều trên trong suy nghĩ của mình và tập trung vào nó thì bạn sẽ sớm làm được.
Không chỉ có cạnh tranh mới cần mà không có cạnh tranh bạn cũng nên phát huy 5 điều trên.
Nếu bạn làm được thì không những giúp bạn nổi bật mà còn giúp bạn thành công lâu dài.
Ngoài ra sự cạnh tranh còn giúp bạn rất nhiều:
- Một thị trường có nhiều blogger tham gia sẽ có rất nhiều dữ liệu để bạn nghiên cứu, học hỏi. Bạn có thể biết được mọi người đang tìm kiếm, thảo luận về cái gì? Họ thường mua những loại sản phẩm nào (ebook, online course,…)? Họ chỉ thích đọc blog hay còn thích xem video? Có thường xuyên xem livestream, webinar không?
- Bạn có thể hợp tác với blogger khác để cùng kinh doanh hoặc tổ chức sự kiện, cuộc thi để mọi người có thể giao lưu và học hỏi lẫn nhau, từ đó cộng đồng sẽ phát triển hơn.
- Sự cạnh tranh còn giúp bạn phát huy được hết khả năng của mình. Nó là một loại cảm giác, một thái độ, một môi trường mà luôn thôi thúc bạn tiến về phía trước không ngừng phát triển.
Kết Luận
Bất cứ ai đang muốn bắt đầu một blog hoặc đang thành công với blog đều đã trải qua ít nhiều những nỗi sợ như vậy, ngay cả những blogger thành công nhất cũng có những nỗi lo của riêng mình.
Không có gì xấu hổ khi nói về điều này bởi vì nỗi sợ là một phần của cuộc sống và sự thật là nó không xấu nếu bạn quyết định đánh bại chúng, điều đó sẽ làm bạn trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
Bạn có đang gặp phải nỗi sợ nào không? Bạn đang lo ngại điều gì khi bắt đầu viết blog? Và làm thế nào để bạn vượt qua những rào cản đó? Hãy chia sẻ bên dưới phần bình luận nhé, mình rất muốn nghe câu chuyện từ bạn.