Sau khi cài đặt WordPress thành công bạn sẽ có được một blog mới hoàn toàn.
Bây giờ, chúng ta sẽ đi cài đặt các thiết lập cần thiết cho WordPress được hoàn thiện hơn trước khi chính thức bắt đầu sử dụng.
1. Sắp xếp WordPress Dashboard
Đây là trang mà bạn sẽ thấy đầu tiên khi vừa đăng nhập. Tại đây bạn có thể xem nhanh tổng quan một số thông tin.
Mặc dù có ích nhưng cũng có một số thông tin hầu như không cần thiết, vì vậy bạn nên ẩn đi cho đỡ rối mắt và không mất tập trung.
Thực Hành:
- (1) Bấm Screen Options.
- (2) Bỏ tick để ẩn những phần không cần thiết (Mình chỉ bật At a Glance, Activity, Quick Draft, tất cả còn lại đều ẩn đi).

2. Cấu hình Permalink Settings
Permalink là cấu trúc URL của bài viết.
Permalink mặc định sẽ chứa chữ số như sau: https://duongromano.com/?p=285
Cấu trúc này không được thân thiện cho người dùng. Nói bình dân là nó không có bất kỳ ý nghĩa gì cả, bạn không thể hiểu URL đó đang nói về cái gì.
Vì vậy, chúng ta cần chỉnh lại cấu trúc URL theo dạng: https://duongromano.com/blog-la-gi/
Cả 2 URL này đều dẫn đến cùng một bài viết nhưng cấu trúc số 2 sẽ thân thiện hơn.
Thực Hành:
- (1) Truy cập Settings > Permalinks.
- (2) Chọn Post name.
- (3) Bấm Save Changes.

3. Cấu hình General Settings
Phần này chứa các cấu hình chung của WordPress. Một số điều cần lưu ý, bao gồm:
- Administration Email Address: cài đặt email để nhận thông báo từ blog. Mọi thông báo cần gửi cho người quản trị sẽ được gửi về địa chỉ email này.
- Timezone: cài đặt múi giờ cho blog. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả vấn đề liên quan đến thời gian trên blog của bạn (thời gian đăng bài, thời gian đăng comment, thời gian tải hình lên,…).
- Date Format và Time Format: cài đặt định dạng ngày và giờ sẽ hiển thị trên blog.
Thực Hành: Truy cập Settings > General và tùy chỉnh như sau:
- (1) Site Title: nhập tên thương hiệu cá nhân/công ty.
- (2) Tagline: để trống (vì cái này không cần thiết).
- (3) Administration Email Address: tạm thời để mặc định (là địa chỉ email chúng ta đã nhập lúc cài đặt WordPress).
- (4) Timezone: chọn UTC+7 (Bởi vì nơi ở hiện tại của mình là Việt Nam).
- (5) Date Format và (6) Time Format: chọn định dạng mà bạn thích.
- (…) Các mục còn lại: giữ nguyên mặc định.
- (7) Bấm Save Changes để lưu thay đổi.

4. Cấu hình Discussion Settings
Giống như Facebook, khi bạn đăng một Status sẽ có nơi để bạn bè bình luận. WordPress cũng vậy, khi bạn đăng một Post cũng có nơi để độc giả bình luận.
Phần này sẽ giúp bạn cấu hình lại các thông số mặc định để giúp việc sử dụng và quản lý chức năng bình luận trong WordPress được tối ưu hơn.
Thực Hành:
- Truy cập Settings > Discussion và tùy chỉnh như sau:
- (1) (2) (3) (4): bỏ chọn
- (5): chọn
- Các mục còn lại trong hình và bên dưới của trang (Comment Moderation, Comment Blacklist, Avatars): giữ nguyên mặc định
- Bấm Save Changes để lưu thay đổi.

Giải Thích:
(1) và (2): liên quan đến kỹ thuật và nội dung chi tiết có thể viết thành một bài riêng. Nhưng tóm lại cá nhân mình không sử dụng bởi vì tỷ lệ Ưu/Khuyết là 1/9 (mặc dù vẫn có ích nhưng khuyết điểm cũng rất lớn).
(3) và (4): bạn nên tắt 2 mục này bởi vì:
- Chúng ta sẽ có một khoảng thời gian trong ngày để kiểm duyệt comment (kiểm tra và phê duyệt). Dù có thông báo qua email hay không thì chúng ta vẫn cần làm việc này, vì vậy bật 2 mục này là không cần thiết.
- Ngoài ra, khi có nhiều comment bạn sẽ nhận nhiều email thông báo (nếu bật), lúc đó sẽ tốn thời gian để đọc và xóa từng email.
(5): bật mục này để bạn có thể kiểm duyệt trước khi comment đó xuất hiện trên bài viết.
5. Cấu hình Author Name
Mặc định, WordPress sử dụng Username (thông tin cần điền lúc đăng nhập WordPress) để đặt cho Author Name.
Ví dụ: Username của mình là duong thì Author Name mặc định sẽ là duong.
Author Name sẽ xuất hiện trong phần Comment và trong phần Header của bài viết (để biết tác giả của bài viết là ai).
Nếu để mặc định như vậy sẽ không hay, cho nên chúng ta sẽ đổi lại thành Fullname (Thành Dương) hoặc Nickname (DuongRomano).
Thực hành:
- (1) Truy cập Users > Your Profile.
- (2) Nickname: nhập Fullname hoặc Nickname của bạn.
- (3) Display name publicly as: chọn tên mà bạn vừa nhập bên trên.
- (4) Bấm Update Profile để lưu thay đổi.

Kết Luận
Đây là những công việc bạn nên làm ngay sau khi cài đặt WordPress.
Sau khi cấu hình chung cho WordPress xong, việc tiếp theo là bắt đầu học cách sử dụng WordPress.