Blog Là Gì? Blogger, Blogging, Blog Post Là Gì?

Khi bạn online hàng ngày để học tập kiến thức, giải trí,… hay với mục đích nào khác thì ít nhất bạn cũng đã truy cập một blog nào đó rồi đấy bởi vì ngày nay blog đã trở nên phổ biến.

Nhưng cụ thể thì Blog là gì? Blog với website khác nhau như thế nào? Và các khái niệm liên quan như Blogger, Blogging, Blog Post là gì?

1. Định Nghĩa

1.1 Blog là gì?

Nếu như bạn tìm trên mạng sẽ thấy có rất nhiều định nghĩa khác nhau từ cơ bản nhất chỉ có 1 dòng cho đến một đoạn văn dài trên 5 dòng. Nhưng xét chung lại, blog chính là sự kết hợp ý nghĩa của 2 từ Website và Diary, như vậy chỉ cần hiểu được ý nghĩa 2 từ này chúng ta sẽ hiểu được blog là gì:

  • Website (tiếng việt gọi là trang web): là nơi để trình bày thông tin theo nhiều định dạng khác nhau trên môi trường Internet (văn bản, hình ảnh, video,…) . Hay nói theo ngôn ngữ kỹ thuật: bất cứ thông tin gì trên Internet được trình bày với HTML/CSS/Javascript/… chính là một website.
  • Diary (sổ nhật ký): là nơi để ghi chép lại các sự kiện, hoạt động,… của cá nhân bạn.

Vậy chúng ta có thể hiểu đơn giản: Blog là một cuốn nhật ký online.

Đây là định nghĩa khi khái niệm blog mới được hình thành ở thời kỳ đầu, về sau sở dĩ định nghĩa ngày càng dài vì blog dần dần mang nhiều ý nghĩa khác hơn ban đầu. (Điều này sẽ được trình bày rõ hơn trong phần 3 của bài viết)

1.2 Cách dùng từ “blog” và các khái niệm liên quan

“Blog” có thể được dùng như một danh từ hoặc động từ

  • Bạn có thể truy cập blog của tôi tại địa chỉ duongromano.com
  • Tôi viết blog vào mỗi buổi sáng

Blogger: người duy trì một blog, chủ sở hữu của một blog, người theo sự nghiệp viết blog

  • Anh ấy là một blogger chuyên viết về du lịch
  • Tôi muốn trở thành blogger vì tôi cảm thấy rất thú vị khi chia sẻ kiến thức với mọi người

Blogging: hành động viết blog

  • Blogging là cách tôi chia sẻ niềm đam mê của mình với thế giới

Blog Post: một bài viết trên blog

  • Bài viết mà bạn đang đọc chính là một blog post (bài viết blog) trên blog của tôi

1.3 Sự khác nhau giữa Blog và Website

Chúng ta gọi tinhte.vn và facebook.com là website hoàn toàn đúng, nhưng tại sao mọi người lại phân biệt TinhTe là Forum còn Facebook là Social? Bởi vì tuy tất cả đều là website nhưng mỗi loại đều có đặc điểm riêng nên sẽ có thuật ngữ riêng để mô tả chúng.

Ví dụ:

  • Khi nhắc đến Forum chúng ta sẽ nghĩ ngay tới Member và đó cũng là đặc điểm nổi bật nhất để phân biệt Forum với các dạng website khác, cho nên rất nhiều chức năng của Forum tập trung hỗ trợ cho Member.
  • Còn về Social đặc điểm nhận dạng là Friend, vì vậy các chức năng cũng xoay quanh yếu tố này: kết bạn, chat với bạn bè, theo dõi trạng thái từ bạn bè,…

Như vậy về cơ bản Blog cũng là một loại của Website và cũng có một số đặc điểm riêng của mình nên mọi người dùng thuật ngữ Blog để mô tả cho loại website này. Đặc điểm chính đó là tập trung vào Content, trong một bài viết bạn có thể dễ dàng định dạng heading, in đậm nghiêng, chèn link, video,… cho bài viết. (Các đặc điểm khác sẽ được liệt kê trong phần 4)

Hiểu một cách đơn giản: tất cả blog đều là website nhưng tất cả website không phải là blog.

1.4 Có thể dùng Facebook để viết blog được không?

Hoàn toàn được, bạn có thấy status trên mạng xã hội và bài viết trên blog giống nhau không, chúng đều có phần để chia sẻ thông tin (text, image, video, audio,…) và phần để tương tác (submit comment, submit form, vote,…), chỉ khác nhau ở chỗ status là những dòng trạng thái ngắn trong khi một bài viết blog thì dài hơn, chỉ vậy thôi còn lại ý nghĩa rất giống nhau.

Vì vậy bạn hoàn toàn có thể dùng Facebook để viết blog, những status nào mà có chữ “Đọc tiếp” ở cuối cùng cũng có thể được gọi là một bài viết blog (blog post). Ngoài ra bạn cũng có thể dùng chức năng Facebook Notes để viết bài.

Nhưng mỗi nền tảng sẽ có điểm mạnh và yếu riêng (như đã đề cập trong 1.3) cho nên viết status, kết bạn, trò chuyện với bạn bè thì dùng mạng xã hội, còn viết blog thì người ta thường tạo ra một trang Blog riêng sẽ phù hợp hơn.

2. Lịch Sử

Justin Hall được xem như là blogger đầu tiên trên Internet và website của anh ấy tại địa chỉ links.net được tạo ra vào năm 1994 được xem là blog đầu tiên. Ở thời điểm đó chưa có khái niệm về blog, các website dạng như links.net lúc đó mang ý nghĩa là “the online diary” và những người tạo nên chúng họ gọi mình là “journalists” hoặc “journalers”.

Đến năm 1997 thuật ngữ “weblog” được đặt ra để mô tả cho các website dạng này.

Đến năm 1999 “weblog” được rút ngắn lại thành “blog”

  • Bạn có thể hiểu đơn giản là ngày xưa khi mới hình thành ý nghĩa “the online diary” thì người ta ghép 2 từ “web” và “log” thành “weblog” để biểu hiện cho ý nghĩa đó, sau này để ngắn gọn hơn người ta rút ngắn thành “blog” và thuật ngữ này được dùng cho đến ngày nay.

Đến năm 2002 Google ra mắt chương trình AdSense cho phép các blogger có thể kiếm tiền từ việc đặt quảng cáo trên blog của mình. Vì vậy Google AdSense được xem như hình thức kiếm tiền đầu tiên từ blog và vẫn được các blogger sử dụng cho đến ngày nay.

Đến năm 2003 các nền tảng hỗ trợ viết blog đầu tiên xuất hiện, đại diện chính là WordPress.com và TypePad.com. Các nền tảng này giúp bạn dễ dàng xuất bản các bài viết, hình ảnh, âm thanh, video,… của mình lên Internet mà không cần biết về lập trình website. Vì vậy chính sự xuất hiện của các nền tảng này đã làm cho thế giới blog “bùng nổ” bởi vì bạn có thể dễ dàng đăng ký tài khoản miễn phí, sau đó xuất bản bài viết đầu tiên, như vậy chỉ sau vài phút bạn đã có được một blog cho riêng mình. (Giống như việc bạn tạo tài khoản Facebook rồi sau đó vào đăng status vậy)

3. Ý Nghĩa

Blog ban đầu có ý nghĩa tương tự như một cuốn nhật ký cá nhân, được mọi người dùng để viết về cuộc sống hàng ngày của mình bao gồm cảm nghĩ, sự kiện, hoạt động trong ngày.

Nhưng dần theo thời gian khi Internet phát triển, blog không còn là nơi chỉ mang ý nghĩa “nhật ký” như ban đầu, không còn là “sự tương tác 1 chiều” (riêng tư, độc thoại, chỉ có bạn viết rồi tự đọc) mà đã chuyển hóa thành “2 chiều” (nhu cầu tương tác với người khác). Và cũng nhờ sự phát triển của công nghệ nên các nền tảng tạo blog đã tích hợp thêm nhiều chức năng như Email, Comment,.. để đáp ứng được nhu cầu này.

Ngoài ra, viết blog cũng không còn đơn giản chỉ để “ghi chép lại” mà đã chuyển hóa thành “nhu cầu chia sẻ thông tin” với người khác.

Có nghĩa là những người viết blog thời kỳ đầu dần dần có nhu cầu viết để “chia sẻ thông tin” và mong muốn có “sự tương tác” của người đọc với thông tin đó. Và cũng chính từ 2 nhu cầu này mà mạng xã hội cũng ra đời nhằm kết nối mọi người với nhau thông qua Internet.

Từ sự chuyển hóa của ý nghĩa như trên, các chủ đề viết blog cũng càng ngày trở nên đa dạng và thú vị hơn, không còn chỉ viết về hoạt động hàng ngày mà còn về sở thích cá nhân (nấu ăn, làm đẹp, thể thao,…), kinh nghiệm chuyên môn, chuyện nghề nghiệp, xã hội,…

4. Đặc Điểm

Như vậy chúng ta đã biết tổng quát nhiều thông tin về blog, bây giờ mình sẽ tóm tắt lại một số đặc điểm nổi bật của blog như sau:

  • Nội dung được cập nhật khá thường xuyên
  • Có tính tương tác 2 chiều. Người đọc có khả năng để lại ý kiến ở phần “Bình Luận” bên dưới mỗi bài viết, cũng có thể đăng ký theo dõi thông tin từ blog thông qua email,…
  • Nội dung trên blog thường tập trung vào chỉ một hoặc vài chủ đề nhất định, không quá rộng như tạp chí hay báo.
  • Nội dung có tính cá nhân hóa cao, mang phong cách và phản ảnh góc nhìn của riêng người viết.

5. Mục Tiêu

Khi bắt đầu tạo blog mỗi người đều có những mục tiêu riêng, bên dưới mình sẽ liệt kê một số điều mà mình biết, phần này cũng là câu trả lời cho câu hỏi: “Mọi người viết blog để làm gì?”

  • Viết blog để thư giãn, giải bày tâm sự sau mỗi ngày học tập và làm việc căng thẳng
  • Viết blog để lưu giữ lại những kỷ niệm, sự kiện trong đời sống hàng ngày
  • Viết blog để chia sẻ quan điểm, phân tích về những gì quan sát được trong cuộc sống
  • Viết blog để chia sẻ trải nghiệm, hành trình khi đi du lịch, khi học được một kỹ năng mới,…
  • Viết blog để chia sẻ về công việc và kết nối với đồng nghiệp
  • Viết blog để nổi tiếng, được nhiều người biết tới và hâm mộ
  • Viết blog để tăng thêm cơ hội có được công việc phù hợp, cơ hội được tài trợ,…
    • Nếu trong bản CV có địa chỉ blog sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng hơn trong việc đánh giá được năng lực của bạn. Ngoài ra, blog có thể là một “điểm sáng” trong hồ sơ xin học bổng của bạn.
    • Nói một cách đơn giản, nhà tuyển dụng, đối tác, nhà tài trợ,… thích tìm những người có một hồ sơ trực tuyến tích cực (Làm gì trên mạng xã hội? Viết gì trên blog cá nhân? Đã từng tham gia những sự kiện nào? Với vai trò gì?…). Vì vậy viết blog là một trong những cách tốt nhất để đạt được điều đó.
  • Viết blog để kiếm tiền
    • Có thể nói blog là một nơi đại diện cho giá trị của bạn trên Internet, từ blog bạn có thể xây dựng mối quan hệ, niềm tin, sự kết nối với những người có cùng sự quan tâm. Đó chính là nền tảng cho mục tiêu kiếm tiền từ blog.

Kết Luận

Những gì được viết bên trên phản ánh góc nhìn cá nhân của mình và chắc chắn bạn cũng có những suy nghĩ riêng về blog. Có thể bạn sẽ muốn thêm hoặc thay đổi một số điều trong đó.

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong phần bình luận bên dưới. Định nghĩa của bạn về blog là gì? Bạn đã viết blog chưa? Theo bạn ý nghĩa của blog là gì?

Write a Comment